songhuong on Thu May 13, 2010 11:20 pm
Đáp:
Theo quy định tại Điều 45 Luật Doanh nghiệp năm 2005 về xử lý phần vốn góp trong trường hợp thành viên là cá nhân chết, thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của thành viên đó là thành viên của công ty. Vợ của anh chết không để lại di chúc nên di sản được chia theo pháp luật. Theo Điều 676 Bộ luật Dân sự thì hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Như vậy, với trường hợp anh nêu, anh cùng 2 con chung và mẹ vợ anh sẽ trở thành thành viên của công ty.
Tuy nhiên, để xác định các đồng thừa kế và phần vốn góp thuộc quyền sở hữu của những người thừa kế, thì đại diện những người thừa kế phải tiến hành làm thủ tục khai nhận di sản hoặc thỏa thuận phân chia di sản theo quy định của pháp luật. Sau đó, những người thừa kế liên hệ với công ty để làm thủ tục thay đổi thành viên. Theo quy định tại Điều 33 Nghị định 88/2006/NĐ-CP ngày 29/8/2006, đối với trường hợp thay đổi thành viên do thừa kế, thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định thay đổi, công ty phải gửi thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đã đăng ký kinh doanh, và trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ đăng ký thay đổi thành viên.
Trường người thừa kế không muốn trở thành thành viên của công ty thì phần vốn góp đó có thể được công ty mua lại hoặc chuyển nhượng, tặng cho cho người khác theo quy định tại các Điều 43, 44, 45 Luật Doanh nghiệp. Lưu ý đối với trường hợp chuyển nhượng lại phần vốn góp của mình cho người khác, thì người chuyển nhượng phải chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện; và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày chào bán.